Hội Thân Hữu Gò Công Hoa Thịnh Đốn

Hội Thân Hữu Gò Công Hoa Thịnh Đốn

Thời Pháp thuộc

Năm 1876 Gò Công, vốn trước kia thuộc tỉnh Định Tường thời “Nam Kỳ lục tỉnh”, trở thành một hạt tham biện (arrondissement) thuộc khu vực (circonscription) Mỹ Tho do thực dân Pháp đặt ra. Hạt tham biện (còn gọi là Tiểu khu hành chính, trị sở được dân gian quen gọi là tòa Bố) Gò Công gồm 4 tổng: Hòa Đồng Thượng (có 8 làng), Hòa Đồng Hạ (có 10 làng), Hòa Lạc Thượng (có 10 làng), Hòa Lạc Hạ (có 12 làng).

Theo Nghị định ngày 20 tháng 12 năm 1899 của Toàn quyền Đông Dương đổi tất cả các hạt tham biện thành tỉnh thì từ ngày 1 tháng 1 năm 1900 hạt tham biện Gò Công trở thành tỉnh Gò Công, với số tổng và số làng không đổi. Tỉnh lị là thị xã Gò Công.

Từ ngày 9 tháng 2 năm 1913 đến ngày 9 tháng 2 năm 1924, Gò Công trở thành quận thuộc tỉnh Mỹ Tho. Sau đó lại tái lập tỉnh Gò Công với 5 tổng, thêm tổng Hòa Đồng Trung, số làng cũng thay đổi.

Thời Việt Nam Cộng Hòa

Năm 1956, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa sáp nhập tỉnh Gò Công vào tỉnh Định Tường mới thành lập trên phần đất tỉnh Mỹ Tho. Ngày 20 tháng 12 năm 1963, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tái lập tỉnh Gò Công, tách từ tỉnh Định Tường.

Gò Công là một tỉnh nhỏ, phía bắc với giáp hai tỉnh Long AnGia Định, phía đông là biển Đông, phía nam giáp tỉnh Kiến Hòa, phía tây giáp tỉnh Định Tường. Ranh giới phía nam của Gò Công là sông Cửa Đại, ranh giới phía bắc là sông Vàm Cỏ Tây, còn ranh giới phía đông bắc là sông Nhà Bè đổ ra cửa Soài Rạp.

Khi mới tái lập tỉnh Gò Công gồm 2 quận Châu Thành (đổi tên từ quận Gò Công) và Hòa Đồng với 4 tổng 31 xã. Ngày 6 tháng 4 năm 1965, chia quận Châu Thành (tỉnh Gò Công) thành 2 quận: Hòa Tân, quận lỵ tại xã Tân Niên Tây với 9 xã; Hòa Lạc, quận lỵ tại xã Tăng Hòa với 9 xã; chia quận Hòa Đồng thành 2 quận: Hòa Đồng, quận lỵ tại xã Vĩnh Bình với 8 xã; Hòa Bình, quận lỵ tại xã Bình Luông Đông với 5 xã. Như vậy tỉnh Gò Công có 4 quận.

Tháng 2 năm 1976 tỉnh Gò Công nhập với Mỹ Tho thành tỉnh Tiền Giang. Hiện nay địa bàn tỉnh Gò Công cũ tương ứng với thị xã Gò Công và các huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây.

Gò Công với vị trí của mình tạo ra vùng sinh thái ngập mặn, và nước lợ phủ một diện tích 7500 ha với nhiều loại thủy hải sản nghêu, sò, cua, tôm có giá trị cao về kinh tế.

Gò Công nằm trên hai thế đất: 1) Ðất giồng cao, xưa của người Miên, nay chuyên trồng trầu, trồng giồng hoa màu phụ, lập vườn trồng cây ăn trái 2) Vùng đất nhiễm mặn thích hợp dưa hấu, mãn cầu, nhãn, sơ ri… Nhờ vậy Gò Công có được diện mạo văn hóa đặc thù qua sản vật: dưa hấu, mãn cầu biển, mắm còng, mắm tôm, trái sơ ri…

Thị xã Gò Công là thành phố thuộc loại xưa, rộng 32 ha với dân số trên 60 ngàn người, có ngôi chợ thuộc loại xưa, một sân vân động tiêu chuẩn, một tòa tỉnh trưởng bề thế không thua Mỹ Tho, Vĩnh Long đủ nói lên vị trí Gò Công, nó đã được xác lập và công nhận từ xưa so với toàn xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh.

Gò Công cũng là đất của hoàng hậu, người phụ nữ xứ này hãnh diện với tên gọi “Gò Công nhan sắc”; và Gò Công nổi tiếng với những nghệ nhân khéo tay, sáng tạo làm nên “cái tủ thờ” có giá trị văn hóa nghệ thuật mang tầm cỡ quốc gia.

Can we count on you?